(Báo tết) Hành trình của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2020: Trưởng thành trước sóng lớn

Hành trình của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2020: Trưởng thành trước sóng lớn

Trước khi tham dự AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam đã trải qua 9 trận đấu tại vòng loại thứ hai và thứ ba World Cup 2022. Tổng thời gian mà thầy trò HLV Park Hang Seo tập trung, rèn quân, thi đấu và đặc biệt là phải cách ly kéo dài từ ngày 7/5 cho đến tận 16/11, tức là hơn nửa năm! Sự phức tạp của dịch Covid-19 cộng thêm việc V.League 2021 không thể tiếp diễn kể từ sau vòng 12 đẩy ĐT Việt Nam vào giai đoạn tập trung dài hạn, liên tục với rất ít quãng nghỉ và không có nhiều thay đổi về nhân sự. 

Nhưng ở góc độ tích cực, việc được tôi luyện trong khoảng thời gian ngặt nghèo khi sinh hoạt và thi đấu trong khối “bong bóng khép kín” dù an toàn nhưng bức bối ấy đã giúp ĐT Việt Nam có bản lĩnh hơn khi tham dự AFF Cup 2020. Ở thời điểm diễn ra giải đấu, biến chủng Omicron của dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Nước chủ nhà Singapore lập tức siết chặt hoạt động của các ĐTQG cũng như liên tục xét nghiệm Covid-19 từ PCR đến kiểm tra nhanh. 

Không ít các đội tuyển lao đao vì dịch bệnh và không chịu được hàng rào quy định vốn được niêm yết vào 12 trang thông báo của Singapore. Hệ quả, Malaysia mất 4 trụ cột vì dương tính với Covid-19 khi gặp Việt Nam. Indonesia chứng kiến Elkan Baggott nhận thông báo phải cách ly vài ngày vì có đi chung chuyến bay với nhiều ca nhiễm virus. Timor Leste thậm chí bị phạt số tiền lớn vì một số cầu thủ không chịu nổi bí bách mà trốn ra ngoài khách sạn để đi chơi. 

Nhìn từ hàng loạt biến cố xảy ra với các đội tuyển, việc Việt Nam đảm bảo quân số và miễn nhiễm với dịch bệnh có thể xem là điểm nhấn lớn tại AFF Cup 2020. Kinh nghiệm đối phó với việc phải cách ly, sinh hoạt trong “bong bóng khép kín” của thầy trò Park Hang Seo được chứng minh rõ ràng. 

Xem thêm  Kỷ lục Thái Lan và bài học cho Việt Nam

Thật tiếc, những trải nghiệm quý giá tại vòng loại cuối World Cup 2022 không thể quy đổi bằng chức vô địch AFF Cup một lần nữa cho ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Chúng ta dừng bước ở bán kết sau khi thất bại trước Thái Lan sau 2 lượt trận. Nhưng cũng từ lần vấp ngã này, Ngọc Hải cùng các đồng đội đã có những bài học lớn. Đúng như cách mà đội trưởng ĐT Việt Nam hứa: “Chúng tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn ở AFF Cup 2022”. 

Hành trình của ĐT Việt Nam bắt đầu với chiến thắng vừa phải 2-0 trước Lào bằng đội hình dự bị. Vài ngày sau, ĐT Việt Nam hủy diệt Malaysia với tỷ số 3-0 đầy thuyết phục. Những ảo tưởng về một Việt Nam vượt tầm Đông Nam Á hiện diện. Để rồi từ đó, tâm lý chủ quan xuất hiện khiến chúng ta đi chệch hướng. “Tôi muốn các học trò phải thật sự tập trung trước Indonesia”, HLV Park Hang Seo tuyên bố.

Nhưng trận hòa 0-0 trước một Indonesia vững vàng trong phòng ngự là khởi đầu cho những vấn đề về chuyên môn ở ĐT Việt Nam. 

Từ một đội tuyển chuyên phòng ngự, Việt Nam buộc phải tấn công khi đụng độ các đội ngang cơ hoặc trình độ không thấp hơn. Những mảng miếng xuất hiện khá đa dạng dựa trên một hàng tiền vệ giỏi tổ chức gồm Quang Hải, Tuấn Anh và Hoàng Đức. Nhưng hiệu quả trong những pha dứt điểm lại không như ĐT Việt Nam kỳ vọng. Sau 109 lần dứt điểm ở 6 trận đã qua tại AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam chỉ ghi được 9 bàn. Tức là cứ 12 lần dứt điểm, ĐT Việt Nam mới ghi được 1 bàn thắng. 

Xem thêm  Gặp PVF ở chung kết U19 Quốc gia, thầy 'Giôm' có cùng HV NutiFood phá được dớp ‘Mr Second’?

Vấn đề ở khâu tấn công tiếp tục được thể hiện ở việc ĐT Việt Nam không khai thác tốt các tình huống phạt góc cũng như tạo ra bước ngoặt khi thay người. Cụ thể, ĐT Việt Nam có 33 lần được hưởng phạt góc nhưng không ghi nổi bàn nào. Thêm vào đó, chúng ta sử dụng hết 30 quyền thay người nhưng chẳng một ai vào sân có thể kiến tạo hay lập công. Đấy là chưa kể HLV Park Hang Seo chỉ sử dụng 21 trong tổng số 30 cầu thủ tham dự. Đó là con số ít nhất so với 4 đội vào bán kết AFF Cup 2020. 

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề để ĐT Việt Nam có sự thay đổi trong tương lai. Cách đây 4 năm, cũng sau thất bại trước Thái Lan dẫn đến bị loại ở SEA Games tại Malaysia, bóng đá Việt Nam đã có cuộc đại tu với sự hiện diện của “kiến trúc sư” trưởng Park Hang Seo. Thành công ở tầm khu vực và châu lục cũng đến với Việt Nam từ khi đó. 

Sau 4 năm, khi yếu tố bất ngờ mà ĐT Việt Nam tạo ra trong mắt các đối thủ không còn nữa, việc đứng dậy sau vấp ngã và sẵn sàng làm mới mình là điều quan trọng để chúng ta hướng đến những thành công trong năm 2022.

Tân binh bước ra ánh sáng
Một số cầu thủ của ĐT Việt Nam như Thành Chung, Tấn Tài, Hoàng Đức hay Tuấn Anh đã có lần đầu thi đấu tại AFF Cup. Cả 4 cầu thủ đều để lại những dấu ấn nhất định trong hành trình vào bán kết của đội nhà. Với Tuấn Anh, đó là 2 đường kiến tạo trong chiến thắng 3-0 trước Malaysia ở vòng bảng. Với Tấn Tài và Thành Chung, cả hai đã ghi dấu ấn lớn trong 2 trận bán kết lượt đi và về trước Thái Lan. Trong khi đó, Hoàng Đức chứng minh năm 2021 là của anh. Trình độ, đẳng cấp của Hoàng Đức được khẳng định qua từng pha xử lý bóng và điều tiết lối chơi ở tuyến giữa của ĐT Việt Nam. 

Xem thêm  Tạp chí điện tử Bóng Đá