Barca đã ra mắt Kessie nhưng chưa thể đăng ký

Vì sao một Barcelona trên bờ vực phá sản dám mua sắm bạt mạng trong hè này?

Chủ tịch Barcelona là Joan Laporta đã dùng bữa tại nhà hàng yêu thích của mình vào tối 14/7, cùng với ông chủ mới chủ Chelsea, Behdad Eghbali (đồng chủ tịch của Clearlake Capital – tập đoàn đã mua The Blues từ Roman Abramovich, cùng với Todd Boehly).

Khi Laporta rời đi để tránh giới truyền thông, Egbhali chỉ nhận xét về bữa ăn ngon ở Via Veneto. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Barca nói rằng đó chỉ là một cuộc gặp gỡ đơn thuần giữa hai vị chủ tịch.

Nghe có vẻ không thuyết phục lắm, và trong khi một phóng viên thắc mắc liệu Eghbali có đến đó để hoàn thành thương vụ Cesar Azpilicueta chuyển đến Camp Nou, hậu vệ đội trưởng của Chelsea cũng có câu hỏi tương tự.

Marcos Alonso cũng chung mối quan tâm với người đồng đội của mình. Trong khi đó, trung vệ Andreas Christensen đã đến Tây Ban Nha, với mảnh giấy trên tay chứng minh việc đến Catalonia luôn là giấc mơ từ khi thơ bé của anh. Giấc mơ đó đã trở thành hiện thực sau khi cầu thủ Đan Mạch hết hợp đồng với Chelsea.

Anh nói rằng đã tiết lộ với Alonso và Azpilicueta về bến đỗ mới của mình và hy vọng hai đồng đội cũng sẽ tiếp bước anh. Một ngày trước đó, tiền vệ Frank Kessie đã cập bến Nou Camp.

Vài ngày sau, một tin tức khác xuất hiện với sự lạc quan rằng tiền vệ tấn công của Leeds, Raphinha có thể thực sự gia nhập Barcelona bất chấp sự cạnh tranh từ những CLB khác sẵn sàng chi mức giá trên 60 triệu euro. Bên cạnh đó là các tin đồn về Robert Lewandowski. Barca được cho là đã đặt số tiền hơn 40 triệu euro lên bàn đàm phán.

Laporta cũng đã phát biểu công khai về Bernardo Silva của Man City. Hậu vệ Jules Kounde của Sevilla là một mục tiêu khác. Barcelona cũng mới ký hợp đồng với “tân binh” Ousmane Dembele, người tưởng chừng sẽ rời đi nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục gắn bó với Blaugrana.

Cuối cùng là trường hợp của Frenkie de Jong. Barca tưởng chừng đã chốt mức phí 85 triệu euro với Man United để đẩy Frenkie de Jong đi ngay cả khi anh không thực sự muốn, nhưng giờ thì chủ tịch Barca lại nói rằng không có ý định để tiền vệ này đi. Trước đó, Laporta cũng nói điều tương tự nhưng chẳng ai tin. 

Tất cả những điều đó đặt ra một câu hỏi: Barcelona chuẩn bị lực lượng ở mùa hè này kiểu gì? Làm thế nào một CLB theo như các báo cáo đang phải ôm khoản nợ 1,3 tỷ euro có thể mua cầu thủ? Làm thế nào Barcelona bị La Liga giới hạn mức lương âm 144 triệu euro lại có thể theo đuổi nhiều ngôi sao với mức giá như vậy? 

Bằng cách nào, một CLB được chính vị phó chủ tịch của mình mô tả là đang “chết lâm sàng” cùng nguyện vọng duy nhất là thoát khỏi ác mộng tài chính lại có thể ký hợp đồng với một tá cầu thủ? Câu trả lời là bất khả thi.

Kessie và Christensen đã được ra mắt trong tuần này, nhưng sẽ không thể được đăng ký vào danh sách thi đấu bởi Barcelona không đáp ứng được các tiêu chí công bằng tài chính của La Liga. Nói cách khác, Barcelona sẽ vượt khỏi giới hạn lương mà La Liga áp đặt, và các khoản thâm hụt ngân sách đang ngăn cản những tân binh của họ chính thức gia nhập đội bóng. 

Chính vì vậy, tất cả đang đi tìm câu trả lời về phương án mà Barcelona đang theo đuổi nhằm thay đổi cục diện. Và đây là một số gợi ý về cách một CLB đang chao đảo bởi áp lực tài chính có thể sẽ thật sự ký hợp đồng với các cầu thủ, thậm chí chi ra rất nhiều tiền nữa. 

Đầu tiên là tình hình tài chính nói chung của CLB, thứ luôn phải cân bằng với năng lực cạnh tranh của CLB trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tiếp theo là khả năng CLB đạt được những mục tiêu về ngân sách, đó là lý do tại sao Barca phải vội vàng tiến hành “đòn bẩy kinh tế” đầu tiên trước ngày 1/7. Thứ ba là khả năng CLB hoàn thành các tiêu chí của giải đấu để ký hợp đồng. Đây chính là vấn đề cấp thiết nhất.

Xem thêm  Tường thuật Barcelona 2-2 Juventus

Mức lương hạn chế để phù hợp với cuộc chơi công bằng tài chính của La Liga được xác định bởi liên đoàn sau khi phân tích các tài khoản đã được kiểm toán của CLB. Tổng số tiền bao gồm phí chuyển nhượng, tiền khấu hao và tiền lương.

Đó là cách nói giản lược, nhưng về cơ bản, nó là phép tính về những gì CLB có thể chi trả dựa trên thu nhập. Có những khuyến nghị rằng quỹ lương không nên nhiều hơn 60% lợi nhuận của một CLB, nhưng hai thứ này không tương quan trực tiếp theo cách như vậy.

Điều quan trọng là quy định này cũng được áp dụng trước khi một đội bóng ký hợp đồng mới với cầu thủ. Không giống như các biện pháp kiểm soát tài chính khác là CLB vi phạm quy tắc sẽ bị trừng phạt sau này. Nếu một CLB không đáp ứng được các tiêu chí, họ sẽ không thể ký hợp đồng với cầu thủ.

Việc đăng ký cầu thủ được thưc hiện bằng kỹ thuật số thông qua một ứng dụng và bạn sẽ không thể bấm vào nút “Chấp thuận”. Tất nhiên, có nhiều cách để đối phó, chẳng hạn như trì hoãn chuyển tiền và dàn trải chi phí – ví dụ như thỏa thuận trao đổi Arthur / Miralem Pjanic với Juventus – nhưng điều đó không thể tiếp diễn mãi, và bạn chỉ càng mất thêm thời gian mà thôi. 

Giới hạn lương thay đổi liên tục, tùy thuộc vào số tiền thu vào và chi ra. Barcelona là CLB duy nhất ở La Liga có mức âm 144 triệu euro, nguyên nhân đến từ chi phí lớn hơn dự đoán và một số khoản lỗ được tính vào năm ngoái. Con số đó là giới hạn gần nhất được công bố chứ không phải con số thực tế ngay bây giờ. 

Mốc tiếp theo sẽ được xác định vào mùa hè này, đồng nghĩa với việc Barcelona phải kiếm được 144 triệu euro để ít nhất kéo giới hạn lương về mức 0. Chưa biết Laporta sẽ xoay xở thế nào, nhưng hiện tại Barcelona đang trắng tay và không có gì để chi tiền cho các cầu thủ. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là Barcelona không chi bất kỳ khoản tiền nào cho đội hình của họ – mức lương thực tế mà họ đang chi hàng năm vào khoảng 560 triệu euro. Chỉ riêng khoản tiền đó đã đủ khiến Barca khốn khổ chứ đừng nói là chi tiêu thêm cho các hợp đồng mới. 

Không đạt được mục tiêu tài chính, Barca không thể mua thêm người, trừ một vài mánh khóe lách luật rất hạn chế. Vậy, Barca có thể làm gì để hoàn thành các mục tiêu của họ? Trước hết là cắt giảm chi phí và kiếm thêm tiền thật nhanh chóng. Điều hiển nhiên là giảm lương cầu thủ hoặc đẩy bớt đi những người đang hưởng lương cao nhất. 

Họ đã và đang thử cả hai cách nhưng đều gặp khó khăn. Nhiều cầu thủ không muốn cắt giảm lương, không muốn rời khỏi nơi họ đang hạnh phúc và kiếm được nhiều tiền. Vậy là Barca vẫn phải chọn cách tồi tệ nhất: lao vào thị trường chuyển nhượng với hầu bao hạn hẹp và cả thế giới đều biết họ có rất ít tiền.

Có nhiều cách để kiếm thêm tiền – chẳng hạn như thỏa thuận tài trợ với Spotify; tăng doanh thu trong ngày thi đấu, quảng cáo… Thêm vào đó, khi phải đối mặt với cuộc đại khủng hoảng, Barcelona đã nghĩ ra cái mà họ gọi là palancas, hay “đòn bẩy kinh tế”.

Barca thực hiện nó bằng hai cách. Một là thỏa thuận bán tới 25% bản quyền hình ảnh truyền hình của họ trên LaLiga TV trong vòng 25 năm. Hai là bán tới 49,9% cổ phần BLM, công ty mà họ thành lập để quản lý hoạt động tiếp thị và cấp phép. Đây có phải là một ý tưởng tốt? 

Xem thêm  Barcelona đã chi hơn 500 triệu euro để thay 'mũi đinh ba' Suarez, Neymar và Messi

Đó là một câu hỏi hợp lý, nhưng có lẽ không phù hợp trong hiện tại. Câu trả lời có thể là “không, không hẳn”, vì dù dù sao thì bạn cũng đang bán một tài sản hoặc một phần thu nhập trong tương lai – nhưng họ phải tìm kiếm một giải pháp nào đó. Tư nhân hóa tài sản luôn có khả năng là một lối thoát.

Đòn bẩy đầu tiên đã được kích hoạt và sau hai năm thua lỗ, nó phần nào cho phép Barcelona giảm bớt các áp lực về ngân sách, mang lại lợi nhuận cho năm tài chính, và cũng tác động tới mức hạn chế lương.

Barcelona đã bán 10% số tiền họ kiếm được từ bản quyền truyền hình LaLiga (không phải bản quyền Champions League) trong 25 năm tới với giá 207,5 triệu euro. Hợp đồng truyền hình hiện tại trị giá 166 triệu euro. Vì vậy, nếu thỏa thuận đó không thay đổi, mỗi năm họ sẽ mất 16 triệu euro, bắt đầu từ năm nay. 

Tổng cộng, Barca sẽ mất 400 triệu euro trong vòng 25 năm để đổi lấy 207,5 triệu euro cho hiện tại. Về cơ bản, đây là một khoản vay được đảm bảo dựa trên thu nhập trong tương lai. 

Barcelona hy vọng rằng, sau khi gánh nặng tài chính được tháo gỡ phần nào, Barcelona có thể bán thêm 15% số cầu thủ với giá gần 400 triệu euro. Nếu được, họ sẽ thu về gần 600 triệu euro (607 triệu trừ đi 16 triệu euro họ mất trong năm nay). Đây là thỏa thuận BLM tiềm năng mà Barcelona dự đoán có thể vào khoảng 300 triệu euro. 

Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể mua và đăng ký các cầu thủ? Không hẳn. Cách đây vài tuần, Barcelona đã gợi ý rằng ngay cả khi họ kiếm được 600 triệu euro từ những palancas cũng chưa chắc là đủ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chủ tịch LaLiga, Javier Tebas nói rằng Barca được phép ký hợp đồng với các cầu thủ nếu họ có 500 triệu euro trong tài khoản. 

Hãy cùng nhìn nhận một cách đơn giản: Lấy giới hạn lương của Barcelona là -144 triệu euro và mức lương thực tế của họ là 560 triệu euro (đặt mục tiêu giảm xuống 400 triệu euro), họ sẽ cần đạt 704 triệu euro để tạo ra số dư dương. 

Nếu họ chỉ có thể kiếm được 600 triệu euro, thấp hơn so với dự đoán ban đầu, đương nhiên Barca không thể đáp ứng được quy định của LaLiga. Nhưng nếu họ kiếm được 800 triệu euro, mức cao nhất trong số những dự đoán ban đầu và gần như không thể xảy ra, họ sẽ có thặng dư khoảng 96 triệu euro và có thể được đầu tư.

Nếu thiếu hụt, họ vẫn có thể chi tiêu bằng cách tận dụng các tiêu chí LaLiga đưa ra vì đại dịch COVID-19 và một số phương án linh động để giảm chi phí, dựa trên niềm tin rằng họ không thể ngăn các CLB có quyền thay đổi đội hình ngay cả khi phải chịu cam kết cân bằng sổ sách.

Đây là quy tắc 1:4, theo đó cứ mỗi 4 euro kiếm được, câu lạc bộ được phép tiêu 1 euro. Nói một cách thô lược, bán một cầu thủ với giá 10 triệu euro thì bạn được chi ra 2,5 triệu euro. Hoặc nếu cầu thủ đó chỉ chiếm 5% ngân sách, CLB có thể xuất ra 50% số tiền bạn có. 

Nếu một CLB đạt đến điểm mà mức lương hạn chế của họ thực sự ngang bằng với mức lương hiện có, thì CLB đó có thể đầu tư ở mức 1:1. Nói cách khác, mỗi euro được chứng minh rằng CLB đang sở hữu, CLB có thể đầu tư trọn vẹn 1 euro đó. Và đó là tỷ lệ mong muốn của Barcelona. 

Gần đây, Laporta đã nói rằng ông hy vọng sẽ làm được điều đó ngay cả khi mất một nửa cổ phần của công ty con BLM, và đó là vì họ vẫn đang nỗ lực cải thiện trên mọi phương diện: tăng doanh số bán hàng, cắt giảm lương, tăng doanh thu trong ngày thi đấu. Chúng ta sẽ thấy điều đó thực tế đến mức nào trong mùa hè này. 

Xem thêm  HLV Park Hang Seo: 'Tôi muốn cùng ĐT Việt Nam vào chung kết AFF Cup 2022'

Vì thế, trước đây Barcelona đã cố gắng đẩy đi De Jong nhưng giờ thì lại muốn giữ lại tiền vệ này dù thừa nhận rằng sẽ phải điều chỉnh lại mức lương. Kessie và Christensen đã đến Camp Nou theo dạng chuyển nhượng tự do. Dembele được ký hợp đồng mới dù bị giảm lương và điều tương tự cũng xảy ra với Sergi Roberto.

Clement Lenglet đã được cho Tottenham mượn. Việc gia hạn với Samuel Umtiti hồi đầu năm chỉ nhằm giảm tải áp lực tài chính cho CLB còn cầu thủ người Pháp vẫn có thể thoải mái lựa chọn đội bóng mới trong mùa hè này. 

Với tất cả những hành động trên, quỹ lương của Barca đã và đang giảm đáng kể. Không phải ngẫu nhiên Laporta nói về hy vọng không để cầu thủ người Hà Lan ra đi, ông biết mình có thể thay đổi tình hình và De Jong là một trong những tài năng sáng giá nhất của Barca ở thời điểm này.

Tuần này, Laporta một lần nữa khẳng định Barcelona muốn xây dựng đội hình dựa trên mong muốn của HLV Xavi Hernandez, và ông cũng cảm thấy có nghĩa vụ phải thực hiện lời hứa của mình với Lewandowski, ngay cả khi phí chuyển nhượng bị đội lên đáng kể so với dự định.

Tất nhiên, mọi quyết định đều phải được tính toán dựa trên cán cân tài chính. Vẫn còn quá nhiều cầu thủ ở Barca có mức lương cao và CLB vẫn đang tìm cách để tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, họ cũng cần phải cải thiện đội hình. Mọi thứ rất khó khăn, như một câu thành ngữ ở Tây Ban Nha: “Không dễ dàng để hít vào và thở ra cùng một lúc.”

Nếu Barca có thể giải quyết được các vấn đề về tài chính, họ có thể kiếm được một đồng euro để có thể xuất ra một đồng euro tương ứng hay không? Họ sẽ phải làm thế, và điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu: Làm thế nào?

Liệu những phương án của Barca có phải cách tiếp cận đúng đắn hay không vẫn còn gây tranh cãi, và liệu mùa hè này của Barca có kết thúc theo cách mà những người lạc quan mong muốn hay sẽ lại “toang” vẫn còn là ẩn số. Nhưng sẽ rất khó để Barcelona có thể ký hợp đồng với một loạt cầu thủ hoặc chi thêm nhiều tiền.

Sẽ còn rất lâu nữa Barcelona mới có thể thoát khỏi những lời cáo buộc rằng họ đã được thiên vị hoặc trốn tránh sự trừng phạt, bất chấp khả năng quản lý tài chính yếu kém của mình. Liệu Barcelona có thể tiếp tục trốn tránh và không bao giờ phải đối mặt với hậu quả?

Barca đã ra mắt Kessie nhưng chưa thể đăng ký

Spotify và FC Barcelona vừa công bố mối quan hệ hợp tác kéo dài bốn năm, bắt đầu từ tháng 7/2022