Bóng đá Việt Nam và tấm gương Thái Lan: Học hỏi để phát triển hơn nữa

Bóng đá Việt Nam và tấm gương Thái Lan: Học hỏi để phát triển hơn nữa

Ngay sau chức vô địch AFF Cup 2020, Alexandre Mano Polking, đương kim HLV trưởng đội tuyển Thái Lan đồng thời cũng là cựu thuyền trưởng CLB TP.HCM có nhận xét rằng V.League cần phải học hỏi nhiều ở Thai League. Ông đưa ra 2 tiêu chí cho thấy sự khác biệt giữa giải đấu số 1 của Thái Lan và giải đấu số 1 đến từ Việt Nam. Đó là hàng loạt SVĐ tốt và những cầu thủ giỏi. Cũng từ 2 yếu tố cốt lõi này, chất lượng của các CLB của Thái Lan ngày càng được nâng tầm trên bình diện châu lục. Nhờ đó, đẳng cấp của Thai League cũng được đẩy mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Theo xếp hạng của AFC, Thai League đang xếp thứ 9 tại châu Á, hơn Việt Nam 5 bậc trên BXH.

Đấy là chất lượng nội hàm của giải đấu. Còn về mặt hình ảnh và giá trị truyền thông, việc có những CLB mạnh, các nội binh lẫn ngoại binh giỏi cộng thêm sân vận động được chăm sóc kỹ càng, chuyên nghiệp giúp Thai League thu hút sự quan tâm rất lớn của các đơn vị truyền hình và truyền thông. Theo Siam Sports, Thai League sẽ thu về tổng số tiền bản quyền truyền hình là 800 tỷ đồng/mùa. Nhờ vậy, mỗi CLB ở giải VĐQG Thái Lan có thể nhận dao động trong một mùa giải là từ 50-60 tỷ đồng. Chỉ riêng con số này cũng bằng nguyên ngân sách hoạt động trong năm của một CLB lớn tại V.League.

Xem thêm  Đè bẹp HAGL, Học viện NutiFood JMG vào chung kết U17 Quốc gia 

Song song với đó, các hạng đấu của Thái Lan cũng được tổ chức theo mô hình kim tự tháp rất quy củ. Trong đó, đỉnh của kim tự tháp là Thai League 1 với 16 CLB tham gia. Thấp hơn ở Thai League 2, 18 CLB góp mặt. Xếp phía dưới là giải bán chuyên Thai League 3 tập hợp tới 72 CLB được chia làm 6 vùng miền gồm phía Bắc (11 đội), Đông Bắc (11 đội), phía Đông (12 đội), phía Tây (12 đội), nội đô Bangkok (14 đội) và phía Nam (12 đội). Đó là điều mà bóng đá Việt Nam với hệ thống các giải chuyên nghiệp và bán chuyên nên học hỏi để có sự cạnh tranh cao hơn, chất lượng tốt hơn nữa.

Thành công của ĐTQG Thái Lan được xây dựng dựa trên hai nhóm cầu thủ. Thứ nhất là đa phần gương mặt chơi bóng ở Thai League – một giải chất lượng tương đối cao ở châu lục và thuộc diện số 1 Đông Nam Á. Thứ hai là 2 ngôi sao thành danh ở Nhật Bản gồm Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan. Những gì mà hai cầu thủ này thể hiện ở AFF Cup 2020 quả thực khiến người hâm mộ chờ đợi vào những cái tên như Hoàng Đức, Quang Hải có thể xuất ngoại để phát triển năng lực trong tương lai gần.

HLV Polking của Thái Lan gợi ý: “Tôi mong Quang Hải, cầu thủ đại diện của Việt Nam có thể làm được như thế. Họ cần phải tới Nhật Bản, Hàn Quốc và các giải khác. Thậm chí là cả châu Âu. Các cầu thủ giỏi không nên bó buộc mình ở trong nước nữa”. Tiếp lời người thầy của mình, Chanathip – biểu tượng xuất ngoại thành công hy vọng: “Những cầu thủ giỏi nhất ở các đội tuyển trong khu vực như Quang Hải hay Hoàng Đức của Việt Nam nên cân nhắc rời khỏi vùng an toàn để tìm đến các nền bóng đá cao hơn nhằm tiếp tục nâng cao khả năng của mình”.

Xem thêm  Đội hình tiêu biểu AFF Cup 2020: ĐT Thái Lan áp đảo, 3 cầu thủ ĐT Việt Nam có tên

Song song với việc quan tâm, đưa những tài năng lớn của bóng đá Việt Nam được phát triển hơn nữa thì việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được học hỏi ở môi trường nước ngoài cũng là một kế hoạch đường dài mà Việt Nam có thể học hỏi từ Thái Lan. “Thái Lan sớm đưa các cầu thủ từ U11, U13 sang Leicester City học hỏi. Đương nhiên, Leicester City có ông chủ là người Thái Lan. Nhưng các bạn cũng có một người Việt Nam đang sở hữu CLB Sarajevo. Chúng ta nên tận dụng điều đó để giúp các cầu thủ trẻ Việt Nam có thêm những trải nghiệm đáng quý”, nhà môi giới Jernej Kamensek chia sẻ.