Tệ nạn ‘bóng cười’ len lỏi vào bóng đá đỉnh cao

Năm 2018, một nhóm cầu thủ của Arsenal khiến các CĐV phẫn nộ vì tài chưa tới đâu, nhưng tật thì một đống. Trong bữa tiệc tiêu tốn 30.000 bảng ở quán bar Tape Club ở West End, London trước thềm mùa giải mới, những Alexandre Lacazette, Pierre-Emerick Aubameyang, Mesut Oezil và một số đồng đội khác cùng nhau uống rượu tới say xỉn và hít bóng cười tới bến. Lacazette thậm chí còn nằm ngửa ra trên sofa sau khi hút mê man. Aubameyang và Kolasinac vừa ngậm bóng cười vừa đùa giỡn với nhau. Guendouzi còn bị các đàn anh trêu chọc vì hút… không đúng cách. 

Tất cả những hành động trên bị các phóng viên của The Sun ghi lại và đoạn video sau đó nổi như cồn trên mạng xã hội. Sau vụ việc tai tiếng đó, chỉ có một mình Lacazette là bị bắt gặp hút bóng cười lần thứ hai. Đương nhiên, chỉ có Chúa mới biết đấy là lần hai hay lần thứ bao nhiêu của tiền đạo hiện đã trở về Lyon.

Từ Anh sang Pháp, sau đó lan ra cả châu Âu, tệ nạn này tràn lan khắp giới trẻ. Các nhà phân tích xã hội cho biết rằng, độ tuổi dùng “bóng cười” nhiều nhất là 15 tới 25. Năm 2020, đến lượt ĐT Pháp dính “phốt” tương tự. Nhà báo điều tra nổi tiếng Romain Molina khẳng định rằng, một nửa số cầu thủ trong tay HLV Didier Deschamps thường xuyên tụ tập hút bóng cười khi tập trung ĐTQG. 

Rất nhiều những ngôi sao hàng đầu đã được Molina chỉ mặt đọc tên như Kylian Mbappe, Anthony Martial hay Ousmane Dembele. Và một sự trùng hợp không lấy gì làm kỳ lạ: Trong số đó có cả Lacazette lẫn Guendouzi! Chỉ riêng tuyên bố này đã đủ gây sốc, nhưng Molina tiếp tục ám chỉ rằng, có tới 3/4 cầu thủ ở các CLB của Pháp cũng tham gia dùng chất kích thích này.

Xem thêm  Nhận định soi kèo trận đấu giữa Pháp vs Đan Mạch 23h00, ngày 26/11/2022

LĐBĐ Pháp (FFF) đã không mở rộng điều tra việc này, nhưng Alexandre Marles, chuyên gia trị liệu từng làm việc ở ĐT Pháp, PSG và Lyon thì khẳng định: “Gần như cầu thủ nào cũng hít bóng cười. Họ là những người trẻ tuổi, luôn muốn thử mọi thứ và rất dễ bị thuyết phục. Việc này gần như cũng không có rủi ro nào khi chất này biến mất ngay lập tức và không để lại dấu vết. Trừ những đồng đội thân thiết, không ai biết là những người này đã hút bóng cười”.

Một người đại diện nổi tiếng từng cấm tiệt các thân chủ của mình động đến bóng cười, nhưng sau đó vẫn phải thừa nhận trong bất lực: “Chúng tôi không thể ở cạnh họ mọi lúc! Chỉ mong là các cầu thủ hãy lắng nghe tôi. Tiêu thụ những thứ đó có thể gây nguy hại cho phần còn lại của sự nghiệp, đấy chưa kể những hậu quả ngắn hạn có thể gặp như bị bỏng, mất ý thức tạm thời và chóng mặt”.

Giáo sư thần kinh học Jerome de Seze thuộc Đại học Y ở Strasbourg là đồng tác giả của nghiên cứu về lạm dụng Dinitơ monoxit (N2O), thành phần chính của bóng cười, giải thích rõ hơn về tác hại: “Khi bạn hít khí này từ một quả bóng, nó sẽ chui vào trong máu. Dù không ảnh hưởng trực tiếp tới não bộ, nhưng nó lại làm thiếu hụt vitamin B12. Vitamin này rất quan trọng với hệ thần kinh, đặc biệt là tủy sống. Từ đó, khí này dần tạo ra các biến chứng”.

Biến chứng chủ yếu ở đây liên quan tới khả năng vận động. Sự thiếu hụt vitamin ảnh hưởng đến các dây thần kinh chịu trách nhiệm giữ thăng bằng. Do đó, người hút bóng cười sẽ di chuyển như thể dò dẫm, đi lại trong bóng đêm. Nó cũng có thể dẫn đến tê liệt cơ thể cục bộ. Ở cấp độ thể thao chuyên nghiệp, hút bóng cười sẽ ảnh hưởng đến tim, hệ thần kinh và cơ bắp, qua đó tăng nguy cơ dính chấn thương, khiến cơ thể mệt mỏi nhanh hơn và giảm khả năng hồi phục.

Xem thêm  Chung kết U21 QG 2021, Hà Nội vs Học viện Nutifood JMG: Chờ tân binh thể hiện

Jean-Kevin Augustin là một ví dụ điển hình. Tháng 11/2020, khi mới chuyển đến Nantes từ RB Leipzig, tiền đạo sinh năm 1997 này đã gặp một loạt các vấn đề về thể chất kéo dài nhiều tháng. Ban đầu, các bác sỹ cho rằng, đấy là di chứng của Covid-19. Nhưng sau đó, khi hỏi Augustin về việc có sử dụng bóng cười hay không, cầu thủ đang thuộc biên chế Basel thừa nhận là… đã chơi! Tiền đạo này thậm chí sử dụng bóng cười liên tục trong một thời gian dài và chỉ mới thực sự từ bỏ nó kể từ thời điểm trên.

“Bóng cười” là gì?
Thành phần chính của bóng cười là N20 (Dinitơ monoxit) là một loại khí có vị ngọt, không màu. Trong khí cười có một loại chất gây ức chế thần kinh, khiến cho cơ thể phản ứng chậm lại, người dùng hít khí này sẽ có cảm giác hưng phấn và sảng khoái. Khí N2O có thể được sử dụng giúp điều trị giảm đau, có chức năng như một thuốc an thần nhẹ, nên khí N2O thường được sử dụng khi thực hiện các thủ thuật y tế như nha khoa, sản khoa giúp người bệnh giảm lo lắng và thư giãn.

Cầu thủ Arsenal hút “bóng cười” ngay trong phòng thay đồ
Tháng 11/2021, khi Arsenal đang trải qua chuỗi phong độ rất ấn tượng tại Ngoại hạng Anh với 8 trận bất bại liên tiếp, giúp họ nhảy từ vị trí thứ 20 đến áp sát Top 4, một tin rúng động lại nổ ra. Vẫn là nhà báo Romain Molina tiết lộ rất nhiều cầu thủ Arsenal đã hút bóng cười trong phòng thay đồ suốt quãng thời gian qua. Đây thực sự là điều vô cùng bất ngờ bởi thực tế, các cầu thủ Arsenal thi đấu rất tỉnh táo trên sân cỏ.

Xem thêm  Nhận định bóng đá Arsenal vs Chelsea, 07h00 ngày 24/7: Phần thưởng cho kẻ khát khao

Một đạo luật vừa được Pháp ban hành vào ngày 1/6/2021 cấm hành vi kích động trẻ vị thành niên sử dụng sai các sản phẩm để có được hiệu ứng thần kinh. Nếu vi phạm sẽ bị phạt 15.000 euro.